Quá trình lên ngôi đầy sóng gió Thiên_hoàng_Minh_Trị

Bối cảnh lịch sử

Kể từ thế kỷ XII, Nhật nằm dưới sự thống trị của chế độ quân phiệt của Chinh Di Đại tướng Quân. Mãi đến thế kỷ XIX, trong suốt thời niên thiếu của hoàng tử Mutsuhito, nhà nước phong kiến Nhật Bản đang trong buổi giao thời giữa cái cũ và cái mới:

  • Trước năm 1853:
Bài chi tiết: Mạc phủ Tokugawa

Mạc phủ Tokugawa được thành lập vào thế kỷ XVII.[16] Dưới chế độ này, Chinh Di Đại tướng Quân (Sei-i Daishōgun) là người trị vì Nhật Bản. Dưới trướng Chinh Di Đại tướng Quân có tới hàng trăm Phiên bang, có thể chế chính trị, pháp luật, tiền tệ, quan thuế và cả đo lường riêng biệt. Năm 1615, Chinh Di Đại tướng Quân đầu tiên của nhà Tokugawa, Tokugawa Ieyasu, người đã chính thức từ ngôi, cùng với con là Tokugawa Hidetada, Chinh Di Đại tướng Quân trên danh nghĩa, đã ban bố bộ luật quy định vai trò của tầng lớp quý tộc. Theo đó, Thiên hoàng chỉ dành thời gian vào nghệ thuật và học vấn,[17] trong khi Chinh Di Đại tướng Quân có thể ra lệnh cho cấp dưới mà không cần thông qua ý kiến hoặc sự đồng ý từ Thiên hoàng.[8] Thời bấy giờ, Nhật là một quốc gia có nền nông nghiệp lạc hậu, giáo dục không được quan tâm, bảo thủ về mặt chính trị và văn hóa Các lãnh chúa phong kiến với bộ máy thống trị quản lý lãnh địa, tự cô lập mình bằng thanh gươm võ sĩ, trong khi cả xã hội Nhật là một nền nông nghiệp lạc hậu, nền giáo dục bị khép kín, chính trị thì bảo thủ và sự phát triển của văn hóa không được nhanh,…[2]

Ít lâu sau khi lên nắm quyền, Mạc phủ Tokugawa ban bố chính sách Sakoku, giới hạn nghiêm ngặt việc giao thương với người nước ngoài và cấm đoán đạo Ki-tô. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là ngoại thương hoàn toàn chấm dứt trong hai thế kỷ trước năm 1854. Người Nhật vẫn buôn bán với nhà Triều Tiên thông qua đảo Đối Mã, Nhà Thanh qua quần đảo NanseiHà Lan qua thương điếm Dejima (Xích Đảo), một hòn đảo nhân tạo nằm ngoài khơi cảng Nagasaki. Người Hà Lan là dân tộc phương Tây duy nhất được buôn bán với người Nhật vào thời đó.[18] Nhờ sự tiếp xúc với người Hà Lan, các nghiên cứu khoa học của phương Tây vẫn tiếp tục được tiếp thu trong thời kỳ này với cái tên "Lan học" (Rangaku), cho phép người Nhật học hỏi và làm theo phần lớn các bước của Cách mạng khoa họcCách mạng công nghiệp.[19]. Một số người thuộc tầng lớp võ sĩ, nhận được sự giáo dục tốt thì bắt đầu tìm tòi con đường cải cách. Mối quan hệ buôn bán hạn chế với Hà Lan đã phần nào giúp chủ nghĩa tư bản phương Tây thâm nhập vào xã hội phong kiến Nhật Bản và đẩy nhanh sự sụp đổ của nó, vốn đã rạn nứt nghiêm trọng trong suốt một thời gian dài trước đó.[20]

  • Từ năm 1853:

Phó đề đốc Hải quân Hoa KỳMatthew Calbraith Perry đem bốn tàu chiến (được người Nhật gọi là "Những con tàu đen") tới vịnh Edo (Tōkyō ngày nay) vào tháng 7 năm 1853. Perry yêu cầu Nhật Bản mở cửa, và đe dọa rằng người Nhật sẽ chuốc lấy hậu quả về quân sự nếu họ không đồng ý mở cửa.[21] Năm 1854, Matthew C. Perry lại mang một hạm đội 9 chiếc tàu chiến, bắt chính quyền Mạc phủ ký một hiệp định buôn bán bất bình đẳng và sau 200 năm thực hiện chính sách sakoku, Nhật Bản cuối cùng phải nhượng bộ cho thế lực thương mại nước ngoài.[22] Tiếp đó, các nước đế quốc phương Tây như Hà Lan, Anh, Pháp, Nga, … cũng đua nhau tới và ép Mạc phủ ký các hiệp ước tương tự. Việc mất đi một loạt chủ quyền quốc gia khiến Nhật Bản đứng trước cuộc khủng hoảng dân tộc và này gây bất mãn trong quần chúng nhân dân. Chính quyền Mạc phủ sớm đối mặt với sự thù địch ở trong nước, được cụ thể hóa thành phong trào bài ngoại "Tôn hoàng, nhương di", tức nâng cao uy tín Thiên hoàng, đánh đuổi người ngoại quốc ra khỏi xứ sở. Các Phiên bang vùng Tây Nam Nhật Bản - vốn từ lâu bất mãn với Mạc phủ - đã nhân cơ hội này đi rêu rao khắp nơi rằng chính quyền Mạc phủ câu kết với người nước ngoài, bán đứng chủ quyền quốc gia; mưu dùng chiêu bài "Tôn hoàng, nhương di" để lật đổ chế độ Mạc phủ.[20][23]

Kanrin Maru, tàu chiến hơi nước chạy chân vịt đầu tiên của Nhật, năm 1855. Mạc phủ hăng hái theo đuổi quá trình hiện đại hóa, nhưng đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng ở trong nước chống lại mối nguy với chủ quyền quốc gia vì các mối liên hệ với phương Tây.

Thiên hoàng Kōmei ủng hộ xu thế này, và - phá vỡ truyền thống hàng thế kỷ của Hoàng gia - bắt đầu giữ vai trò chủ động trong công việc triều chính: khi cơ hội đến, Thiên hoàng phản đối lại các hiệp ước và cố can dự vào việc nối chức Chinh Di Đại tướng Quân. Đỉnh cao nỗ lực của Thiên hoàng Kōmei là vào tháng 3 năm 1863 với "Nhương di sắc mệnh". Mặc dù Mạc phủ không có ý thi hành chiếu chỉ, điều này sau này lại hại chính Mạc phủ và người nước ngoài ở Nhật Bản: sự kiện nổi tiếng nhất là việc thương nhân Charles Lennox Richardson bị sát hại, và cái chết của Richardson đã khiến Mạc phủ phải trả tiền bồi thường lên đến 10 vạn bảng Anh[24]. Những cuộc tấn công khác bao gồm việc bắn phá tàu ngoại quốc tại Shimonoseki[25].

Trong năm 1864, những hành động này bị các thế lực ngoại quốc đáp trả dữ dội, ví dụ như vụ bắn phá Kagoshima của quân Anh và bắn phá Shimonoseki của liên quân các nước. Cùng lúc, quân đội Chōshū, cùng với những ronin bài ngoại, tiến hành cuộc nổi loạn Hamaguri cố chiếm kinh đô Kyōto, nhưng Chinh Di Đại tướng Quân tương lai là Tokugawa Keiki dẫn đầu đội quân chinh phạt và đánh bại họ. Vào lúc này, sự kháng cự trong giới lãnh đạo phiên bang Chōshū cũng như triều đình giảm xuống, nhưng vài năm sau, Mạc phủ Tokugawa không thể kiểm soát được toàn bộ đất nước nữa khi mà phần lớn các lãnh chúa đại danh bất tuân các mệnh lệnh và yêu cầu từ kinh đô Edo (Giang Hộ)[26].

Nhận thức về tình hình chính trị náo loạn của Hoàng thái tử Mutsuhito được tác giả Keene xem là không chắc chắn.[27] Trong thời gian này, ông học thơ Hòa ca (tanka), đầu tiên học với vua cha Kōmei, sau học với các nhà thơ của cung đình.[28]

Lên ngôi và lật đổ chế độ Mạc phủ

Bài chi tiết: Chiến tranh Boshin

Sau cuộc đảo chính nội bộ và cuộc nổi loạn cách tân của phiên bang Chōshū bị Mạc phủ cử quân viễn chinh dẹp tan, phiên bang Chōshū bí mật liên minh với phiên bang Satsuma, và tìm cách liên minh với phiên bang Tosa.[3] Tuy vậy, cuối năm 1866, đầu tiên là Chinh Di Đại tướng Quân Tokugawa Iemochi (Đức Xuyên Gia Mậu) và sau đó đến năm 1867 Thiên hoàng Kōmei qua đời, hưởng dương 36 tuổi. Vào tháng 1 năm 1867, Thiên hoàng Kōmei lâm bệnh nặng. Thiên hoàng có vẻ như đã bình phục, nhưng bệnh tình đột ngột trở nên tồi tệ hơn và Thiên hoàng qua đời vào ngày 30 tháng 1 năm 1867. Nhiều sử gia cho rằng Thiên hoàng Kōmei đã bị đầu độc, nhưng quan điểm này không được biết vào thời gian đó: Nhà ngoại giao người Anh là Ernest Mason Satow viết, "Khó mà phủ nhận rằng việc [Nhật hoàng Kōmei] qua đời, để lại người kế vị một cậu bé ở tuổi 15 hoặc 16, [đúng 14 tuổi], là sự kiện xảy ra thật đúng lúc". (nguyên văn: "it is impossible to deny that [the Emperor Kōmei's] disappearance from the political scene, leaving as his successor a boy of fifteen or sixteen [actually fourteen], was most opportune")[29]

Tokugawa Keiki (Đức Xuyên Khánh Hỉ, 18371913) lên kế vị chức "Chinh Di Đại tướng Quân". Trước đây vốn là người thuộc phái cải cách, Keiki đã thực hiện một nỗ lực cuối cùng nhằm hiện đại hóa chính quyền Mạc phủ và biến Nhật Bản thành một quốc gia theo cơ cấu Tây phương. Còn Thái tử Mutsuhito - lúc này chỉ là một đứa trẻ 14 tuổi rưỡi - được mọi người tôn làm Thiên hoàng, chính thức lên nối ngôi ngày 3 tháng 2 năm 1867, trong một nghi lễ ngắn ở kinh thành Kyōto.[30] Những sự kiện này tạo ra "một xu thế không thể tránh khỏi"[31].

Đứng trước tin này, lực lượng chống Mạc phủ ngay lập tức đề ra kế hoạch nắm lấy miếng "Ngọc" - tức khống chế Thiên hoàng rồi sau đó sẽ "ôm lấy Ngọc" - tức lợi dụng danh nghĩa Thiên hoàng để tiêu diệt chính quyền Mạc phủ. Lúc này, theo 10 đại hoàng đế thế giới, tân Thiên hoàng Mutsuhito chỉ là một đứa trẻ, suốt ngày cứ chơi đùa với các cung nữ một cách vô ý thức. Ông hoàn toàn không có năng lực và kinh nghiệm chấp chính, chỉ làm một vị vua bù nhìn, đóng dấu và ký tên vào những văn kiện đã được soạn thảo sẵn.[1] Trong thời gian này ông cũng tiếp tục học tập, nhưng không học về những vấn đề chính trị. Tuy nhiên, trang in điện tử Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (dẫn nguồn từ Tạp chí "Nhà quản lý" số 27 tháng 09/2005) có ghi nhận khác:

…hoàng tử Mutsohito đã sớm nhận thấy thực trạng suy kiệt, bi đát của đất nước cũng như nhận thấy nguy cơ của chủ nghĩa thực dân phương Tây đang ngày càng hiển hiện, đe dọa nền độc lập dân tộc. Trước tình hình đó, ông cùng với những người theo chủ nghĩa dân tộc cấp tiến quyết tâm đưa đất Nhật trở nên hùng mạnh. Biểu hiện đầu tiên của quyết tâm này là ngay sau khi lên ngôi, Mutsohito đã lấy niên hiệu là Minh Trị (Meiji - tức nền chính trị sáng suốt).

Đầu tiên, Iwakura Tomomi (Nham Thương Cụ Thị) - một người hầu cũ của Thiên hoàng Kōmei - trước tiên lôi kéo số công khanh trong triều đình, thuyết phục họ đứng về phía chống Mạc phủ, cùng nhau thao túng Thiên hoàng. Họ khuyên Thiên hoàng ban lệnh ân xá cho tất cả những thành viên chống Mạc phủ đang bị giam trong tù[1]. Sau đó, vào ngày 8 tháng 11 năm 1867, họ thuyết phục ông xuống mật chiếu chinh phạt lực lượng Mạc phủ do Tokugawa Keiki đứng đầu. Đến hôm sau (9 tháng 11), mật chỉ của Thiên hoàng Minh Trị đã được truyền xuống hai phiên bang Satsuma và Chōshū.[32]. Tờ mật chỉ có đoạn:

Không thảo phạt được tên giặc này thì đối với trên làm sao đáp tạ được thần linh của tiên đế, đối với dưới làm sao trả được thâm thù của muôn dân ?
— Mật chỉ[1]
Chinh Di Đại tướng Quân Tokugawa Keiki, ảnh chụp năm 1867.

Trước tình hình đó, theo đề xuất của đại danh phiên bang Tosa, Tokugawa Keiki tuyên bố "trả lại đại quyền" cho Thiên hoàng và từ bỏ chức vụ "Chinh Di Đại tướng Quân" đồng ý trở thành "công cụ thực thi" mệnh lệnh của Hoàng gia[33]. Mạc phủ Tokugawa đến hồi cáo chung[34]. Tuy nhiên thông qua việc khống chế hội nghị của các phiên, Keiki hy vọng mình vẫn có thể nắm thực quyền như trước đây. Tất nhiên là phái chống Mạc phủ không dễ gì mắc bẫy của Keiki, họ tiếp tục dùng danh nghĩa của Thiên hoàng để điều động quân đội từ các địa phương về. Sáng sớm ngày 3 tháng 1 năm 1868, họ lại "nhờ" Thiên hoàng ra lệnh giải tán hết các đội cảnh vệ của Mạc phủ đóng trong Hoàng cung, thay vào đó là lực lượng của phái chống Mạc phủ[1]. Tiếp theo, Thiên hoàng lại ban bố lệnh phục hồi chính quyền cổ của Thiên hoàng, xóa bỏ chế độ Mạc phủ, đặt ra ba chức quan Tổng Tài, Nghị Định, Tham dữ. Cho đến lúc này Thiên hoàng Mutsuhito đã hoàn toàn nằm trong tay phái cải cách, nhưng họ vẫn còn lo sợ thế lực của gia tộc Tokugawa. Thế là phái chống Mạc phủ lại thuyết phục Thiên hoàng ban sắc lệnh buộc Keiki "từ quan nộp đất", tức tước đoạt binh quyền và lãnh địa của Keiki.[35]

Tokugawa Keiki phản ứng ngay. Keiki phát động một chiến dịch quân sự với mục đích chiếm lấy triều đình ở Kyōto, tuyên bố sẽ thanh trừng "bọn phản tặc" chung quanh Thiên hoàng. Đáp lại, Thiên hoàng lại ban bố sắc lệnh sẽ đích thân cầm quân chinh phạt "tên giặc" Keiki đang mưu cướp đoạt quyền lực quốc gia. Đôi bên đã đánh nhau tại khu vực Toba-Fushimi gần kinh đô Kyōto. Tình hình quân sự nhanh chóng chuyển biến theo hướng có lợi cho phe bảo hoàng, tuy nhỏ hơn nhưng được hiện đại hóa mạnh mẽ hơn. Đồng thời, đông đảo dân nghèo và nông dân cũng nổi dậy đấu tranh với chính quyền Mạc phủ. Cuối cùng, Tokugawa Keiki buộc phải đầu hàng tại đại bản doanh Edo và đến ngày 3 tháng 5 năm 1868, Keiki rời chùa Thượng Dã Khoan Vĩnh Tự đến Mito (Thủy Hộ), nơi Keiki bị triều đình lưu đày.[35] Tàn dư của Mạc phủ Tokugawa rút lui về phía bắc Honshū rồi sau đó là Hokkaidō, tại đây họ thành lập nước Cộng hòa Ezo (Hà Di) - nước Cộng hòa duy nhất trong lịch sử Nhật Bản. Quân đội triều đình sớm củng cố vị trí của mình trong nội địa Nhật Bản, và vào tháng 4 năm 1869, phái đi một hạm đội và 7.000 lục quân đến Ezo, đánh tan tác đối phương tại trận Hakodate. Thất bại này khiến quân Ezo mất đi căn cứ địa cuối cùng và phái chống Mạc phủ chính thức nắm quyền lực tuyệt đối trên toàn nước Nhật, hoàn thành giai đoạn quân sự trong cuộc Minh Trị Duy Tân. Ngày 18 tháng 5 năm 1869, Tổng tài (tương đương với Tổng thống) nước Cộng hòa Ezo là Enomoto Takeaki (Giá Bản Võ Dương) đầu hàng và chấp nhận quyền thống trị của Thiên hoàng Minh Trị. Khoảng 12 vạn binh sĩ được huy động trong cuộc chiến, và có khoảng 3.500 người thiệt mạng[36]. Sau này, năm 1903, niên hiệu Minh Trị thứ 35, Tokugawa Keiki đã vào triều yết kiến nhà vua, được nhà vua phong cho tước Công.[37]

Dời đô và đặt niên hiệu mới

Thiên hoàng Minh Trị mới 16 tuổi, trong hành trình từ Kyōto về Tōkyō, vào cuối năm 1868.

Sau chiến thắng của phái chống Mạc phủ, Thiên hoàng Mutsuhito tuyên bố chế độ Mạc phủ - sau gần ba thế kỷ thống trị Nhật Bản - cáo chung.[2] Dù chính quyền Mạc phủ bị lật đổ và phái chống Mạc phủ đã chiếm kinh thành Edo vào năm 1868,[38] họ đã không thế chỗ Mạc phủ bằng một chính phủ trung ương vững mạnh hơn. Ngày 23 tháng 2, lần đầu tiên các sứ thần ngoại quốc được cho phép đến kinh đô Kyōto và viếng thăm Thiên hoàng[39] . Vào ngày 7 tháng 4 năm 1868, Thiên hoàng cùng bá quan văn võ, cùng với lãnh chúa các phiên bang thực hiện lễ tế cáo trời đất và tổ tiên một cách trang trọng. Ông đã công bố "Năm lời tuyên thệ" như sau:

  • "Mở ra hội nghị rộng rãi, trăm công ngàn việc đều lấy theo công luận mà quyết định."
  • "Trên dưới một lòng, ra sức sửa sang việc nước."
  • "Văn võ một đường, từ công khanh đến thứ dân, đều được toại chí, khiến cho lòng người hăm hở sốt sắng."
  • "Thảy bỏ hết những thói hư mối tệ chất chứa lâu đời, từ đây gắng gổ duy tân tự cường, hiệp theo công đạo của Trời Đất."
  • "Cầu trí thức ở thế giới, làm cho Nước Nhà trở nên mạnh lớn vẻ vang." [40][41]

Theo năm lời tuyên thệ này, chế độ phong kiến bị xóa bỏ đồng thời một chính phủ dân chủ và hiện đại lãnh đạo nước Nhật được thành lập. Với việc triều đình Thiên hoàng long trọng công bố tuyên thệ cải cách đất nước Mặt trời mọc, đường lối cải cách Duy Tân của họ chính thức được tuyên bố.[2] về sau, năm lời tuyên thệ được trích dẫn để khuyến khích những thay đổi lớn lao trong triều đình Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945).[42] Giữa tháng năm, ông rời kinh đô Kyōto lần đầu tiên để cầm quyền truy kích những tàn dư của quân đội Mạc phủ. Đi bằng xe ngựa chậm, ông đi từ Kyōto đến Osaka trong ba ngày, qua những con đường có đầy dân chúng ven đường.[43] Không xảy ra một cuộc xung đột nào ở Osaka; những nhà lãnh đạo mới mong Thiên hoàng thân thiện hơn với thần dân và những sứ thần ngoại quốc. Hết tháng năm, sau hai tuần ở Osaka (trong một bầu không khí ít trịnh trọng hơn hẳn ở Kyōto), Thiên hoàng Mutsuhito quay trở về nhà.[44]

Sau khi hoàn thành việc xóa bỏ chế độ Mạc phủ, ngày 3 tháng 9 năm 1868[3] Thiên hoàng Mutsuhito xuống chiếu đổi tên thành phố Edo - đại bản doanh cũ của chính quyền Mạc phủ - thành Tōkyō (Đông Kinh), đồng thời phái người trang trí và xây dựng lại ngôi thành của Mạc phủ thành Hoàng cung mới. Ngày 12 tháng 10 năm 1868, Thiên hoàng chính thức làm lễ đăng quang tại Tử Thần điện ở cố đô Kyōto. Theo đề nghị của các đại thần, ông đặt niên hiệuMinh Trị, dựa theo câu "Thánh nhân nam diện thính thiên hạ, hướng minh nhi trị" trong chương Thuyết Quái của Kinh Dịch.[45] Đây cũng là thụy hiệu của Thiên hoàng. Điều này đã mở đầu một truyền thống mới: Thiên hoàng chỉ đặt duy nhất một niên hiệu trong thời gian trị vì,[46] khác với trước kia các Thiên hoàng thường thay đổi niên hiệu. Ngoài ra, sau khi ông qua đời, niên hiệu này cũng trở thành thụy hiệu của ông.

Ngày 4 tháng 11 năm 1868, triều đình Minh Trị rời Kyōto về đóng về đóng đô tại Tōkyō. Thành phố Tōkyō là nơi có những điều kiện thuận lợi về kinh tế, địa lý và chính trị, giúp Thiên hoàng dễ trị vì hơn.[47] Năm 1874, các khí đốt được ông cho phép nhập và sử dụng để thắp sáng tân đô Tōkyō. Đây là lần đầu tiên khí đốt được sử dụng ở Nhật Bản. Tuy nhiên, theo Gordon, đến năm 1889, triều đình mới ra quyết định cuối cùng: dời đô về thành phố Tōkyō.[48] Việc dời đô này cũng có mục đích là đoạn tuyệt với quá khứ và xúc tiến công cuộc Duy Tân vĩ đại mạnh mẽ hơn nữa.[2] Ông cũng cho rằng truyền thống dân tộc kết hợp với kỹ thuật phương Tây là những thứ giúp cho Nhật thoát khỏi sự lạc hậu.[49]

Đầu năm 1869, ông về Kyōto để làm lễ giỗ Thiên hoàng Hiếu Minh và kết hôn.[50] Ngày 11 tháng 1 năm 1869, ông cưới Ichijō Masako (về sau đổi tên thành Haruko)[51] (9 tháng 5 năm 184919 tháng 4 năm 1914), con gái thứ ba của Tả đại thần Ichijō Tadaka (Nhất Điều Trung Hương) và phong làm Hoàng hậu (tức Chiêu Hiến Hoàng hậu).[45] Masako là trường hợp đầu tiên trong vòng vài thế kỷ nắm giữ cả hai danh hiệu Nữ ngự (nyōgō) và Hoàng hậu (kōgō) khi còn sống. Vì Masako lớn hơn ông ba tuổi nên Thiên hoàng đã phải chờ cho đến khi ông đủ tuổi để thực hiện lễ thành nhân (Gembuku, tức lễ mừng nam giới bước vào tuổi trưởng thành). Sau lễ cưới, nhà vua trở lại thành Tōkyō.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thiên_hoàng_Minh_Trị http://erct.com/2-ThoVan/0-NBDuyTan/00-Mucluc.htm http://erct.com/2-ThoVan/0-NBDuyTan/00-Tieu_su-DTN... http://erct.com/2-ThoVan/0-NBDuyTan/03-Chuong_3.ht... http://erct.com/2-ThoVan/0-NBDuyTan/04-Chuong_4.ht... http://erct.com/2-ThoVan/0-NBDuyTan/06-Chuong_6.ht... http://erct.com/2-ThoVan/0-NBDuyTan/08-Chuong_8.ht... http://erct.com/2-ThoVan/0-NBDuyTan/09-Chuong_9.ht... http://books.google.com/books?id=IGkrAAAAIAAJ&q=Vi... http://messia.com/reiki/gyosei/121_shou.php http://www.n-shingo.com/jijiback/225.html